Những điều kiện thuận lợi để hành thiền

Nhung Dieu Kien Thuan Loi De Hanh Thienn.jpg
Những điều kiện thuận lợi để hành thiền

> 10 Điều bạn chưa biết hoặc chưa hiểu đúng về Thiền
> Giải mã những bí ẩn của Thiền định (Phần 1)
> Những trở ngại có thể gặp phải khi hành thiền

Theo chỉ dẫn của người có năng lực
Để có thể thiền, đầu tiên phải biết cách tập. Vì thế, người thầy đóng một vai trò cơ bản. Trường hợp may mắn nhất là gặp được một vị thầy tâm linh chân chính, có khả năng hiến tặng nguồn cảm hứng, kiến thức hiểu biết sâu rộng và những kinh nghiệm dầy dạn của bản thân vị đó. Thật vậy, không gì có thể thay thế được sức mạnh của một tấm gương và sự sâu sắc của lối trao truyền trực tiếp, sống động. Ngoài sự có mặt đầy cảm hứng và bài học thầm lặng truyền cho trò thông qua cách sống của mình, vị thầy luôn luôn để ý sao cho đệ tử không đi lạc vào những con đường sai trái.

Nếu không có cơ hội gặp được một vị thầy như thế, chúng ta cũng có thể tiếp nhận những lời chỉ giáo của một thiện tri thức, hiểu biết hơn và có kinh nghiệm hơn chúng ta, với điều kiện là những lời chỉ bảo đó phải dựa trên một truyền thống chân thực và được thực chứng rất nhiều lần. Nếu không, tốt hơn cả là tìm sự trợ giúp từ những kinh sách, kể cả những sách lược giản như cuốn sách này, miễn là nó dựa trên những nguồn đáng tin cậy, còn hơn là trao gửi mình cho một người chỉ biết hướng dẫn theo những ngẫu hứng của chính anh ta.

Một nơi thích hợp cho việc hành thiền
Hoàn cảnh cuộc sống thường nhật của chúng ta không phải lúc nào cũng thuận lợi cho việc hành thiền. Thời gian và tâm trí chúng ta liên tục bị những hoạt động và lo toan choán chỗ. Chính vì thế mà ban đầu, cần phải tự tạo cho mình một số điều kiện thuận lợi. Khi bị cuốn theo cuộc sống hối hả hàng ngày, chúng ta hoàn toàn có thể và cần duy trì lợi ích của thiền, đặc biệt là thực hành “tỉnh thức”.

Song lúc đầu, cần phải đặt tâm trong một môi trường thích hợp. Người ta không thể học những kiến thức sơ đẳng về lái tàu trong một cơn giông bão mà phải vào lúc trời yên biển lặng. Cũng như vậy, lúc đầu nên tập thiền ở một nơi yên tĩnh để tâm có cơ hội trở nên sáng sủa và ổn định. Kinh sách của đạo Phật thường hay dẫn chứng hình ảnh ngọn đèn dầu. Nếu cứ liên tục để đèn ra trước gió thì ánh lửa sẽ yếu và có nguy cơ bị tắt bất cứ lúc nào. Ngược lại, nếu ta biết chắn gió cho đèn thì ngọn lửa sẽ được giữ yên và rực sáng. Đối với tâm thức của ta cũng vậy.

Một tư thế ngồi phù hợp
Tư thế ảnh hưởng tới tâm trạng. Nếu ngồi uể oải thì  dễ bị hôn trầm và buồn ngủ khi thiền. Ngược lại, nếu ngồi quá cứng nhắc và căng thẳng thì tâm trí lại dễ bị loạn động. Vì thế, cần phải chọn một tư thế cân bằng, không quá căng thẳng, cũng không quá trễ nải. Trong kinh sách có mô tả tư thế ngồi bảy điểm, được gọi là thế Kim cương.

1. Hai chân bắt chéo trong tư thế Kim cương (vajra), thường được gọi là “thế hoa sen” hay “kiết già”: đầu tiên gập chân phải lên đùi chân trái, sau đó gập chân trái lên đùi chân phải.
Nếu cách ngồi này quá khó, ta có thể ngồi theo “thế  nửa hoa sen” hay “bán già”: để chân phải dưới đùi trái và chân trái dưới đùi phải (sukhasana).
2. Hai bàn tay đặt vào lòng, trong tư thế buông xả, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái sao cho đầu hai ngón cái chạm vào nhau. Một cách khác là để úp hai bàn tay lên đầu gối.
3. Hai vai hơi nhô lên và đầu cúi về phía trước.
4. Cột sống thật thẳng.
5. Cằm hơi gập xuống cổ.
6. Đầu lưỡi chạm nhẹ vào hàm trên.
7. Mắt nhìn thẳng hoặc nhìn xuôi theo sống mũi, mở to hoặc khép hờ.

Nếu ngồi bắt chéo hai chân mà khó thì đương nhiên chúng ta có thể ngồi thiền trên một chiếc ghế, hoặc trên một chiếc gối cao. Điều cốt yếu là duy trì một tư thế cân bằng, lưng thẳng và tuân thủ những điểm đã được mô tả ở trên. Kinh sách nói rằng nếu thân được giữ thẳng, các đường kinh dẫn năng lượng vi tế cũng sẽ thẳng, và nhờ thế, tâm trí sẽ minh mẫn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thay đổi một chút tư thế ngồi tùy theo diễn biến trong quá trình thiền. Nếu ta có xu hướng hôn trầm, thậm chí buồn ngủ thì hãy dựng thẳng lưng lên cho khỏe khoắn và mắt nhìn lên cao. Ngược lại, khi tâm trí quá loạn động thì chúng ta ngồi thoải mái hơn một chút và đưa mắt nhìn xuống.

Cách ngồi thích hợp phải được duy trì lâu nhất có thể, song nếu nó trở nên khó chịu thì  tốt hơn cả là thư giãn một lúc còn hơn là liên tục bị mất tập trung vì đau đớn. Người ta cũng có thể trải nghiệm đau đớn theo khả năng chịu đựng của mình, không chối bỏ nó mà cũng không cường điệu nó, đón nhận nó như bất kỳ một cảm giác thích thú hoặc chán ghét nào khác, trong trạng thái tâm tỉnh thức ở hiện tại. Cuối cùng, ta cũng có thể xen kẽ thiền tọa (ngồi) với thiền hành (đi). Đây là phương pháp mà chúng tôi sẽ nói tới ở phần sau.

Nhiệt tâm là động cơ để duy trì thiền
Để quan tâm tới điều gì và dành thời gian cho nó, trước hết cần thấy rõ lợi ích mà điều ấy mang lại. Việc suy nghĩ tới những lợi lạc của thiền, sau đó tự mình nếm thử chút xíu hương vị của nó sẽ nuôi dưỡng tính bền bỉ của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng thiền là một loại thực hành lúc nào cũng dễ chịu. Người ta có thể ví nó như một buổi leo núi, không phải lúc nào cũng thích thú.

Điều cơ bản là cảm nhận được lợi ích sâu sắc của thiền để duy trì nỗ lực, bất chấp những lúc lên xuống trong quá trình thực hành tâm linh. Khi đó, sự mãn nguyện do tiến dần tới đích mà mình đặt ra cũng đủ để duy trì quyết tâm và niềm tin rằng nỗ lực bỏ ra là xứng đáng.

Tin Tổng hợp

Tận hưởng cái Tết gọn nhẹ

Để “đủ đầy” trong mùa tết, rất cần các kỹ năng quản lý chi tiêu của người tay hòm chìa...

Xem tiếp

Tin Hoạt động Tin Tổng hợp

Ý Tưởng Việt đồng hành cùng tân sinh viên khoa Tâm lý học – trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Hòa chung không khí hân hoan, hứng khởi của năm học mới, chiều ngày 12.10.2022 vừa qua, Ý Tưởng Việt...

Xem tiếp

Tin Tổng hợp

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy chán nản hãy ghi nhớ 8 điều này

Có những loại khó khăn khiến ta bị tổn thương, nhưng đồng thời cũng giúp ta thay đổi và trưởng...

Xem tiếp

Tin Tổng hợp

7 Cách giúp bạn thư giãn và giảm stress

Với 7 lời khuyên dưới đây sẽ phần nào giúp bạn bớt căng thẳng mệt mỏi và tìm được cách...

Xem tiếp

Tin Tổng hợp

Những điều bạn cần biết về Stress

Stress là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác...

Xem tiếp

Tin Tổng hợp

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Sẽ có nhiều hệ lụy nếu phụ nữ không phản kháng trước lời nói bông đùa

Chuyên gia tâm lý, GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) nêu quan...

Xem tiếp

Tin Tổng hợp

Đừng bỏ mặc con trẻ với mạng xã hội! Hãy đồng hành, trải nghiệm cùng con!

Điều quan trọng nhất chính là giáo dục. Cải cách giáo dục làm sao để trang bị cho trẻ những...

Xem tiếp

Tin Tổng hợp

SELF HARM – Hội chứng Tự hại: Khi người ta nhầm tưởng những đau đớn thể xác là sự chữa lành

“Self – Harm” hay còn được gọi là hội chứng tự hại. Người mắc hội chứng tâm lý này có...

Xem tiếp

Tin Tổng hợp

BURNOUT – Hội chứng “cháy sạch” nơi công sở và cách để “chữa cháy”

Hội chứng burnout (Burnout syndrome) là một thuật ngữ tâm lý, nó miêu tả tình trạng kiệt quệ, mệt mỏi...

Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *