Xấu xí mà gây sự chú ý

T7 1 Opt Qrxd.gif

Tạo scandal để được dư luận chú ý, để người khác nhớ đến mình, để xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng không phải là cách làm mới trong giới showbiz. Tuy nhiên, vấn đề này ngày càng ảnh hưởng đến “chuẩn nhận thức, hành vi” của giới trẻ.

Theo “quy luật hình – nền” trong tâm lý học, “hình” mới là thành tố chính ở phía trước, “nền” là thành tố ở phía sau, đóng vai trò phụ, “nền” có tác dụng làm cho “hình” nổi lên. Vậy, chiếu theo quy luật này thì “chuẩn nhận thức, hành vi” đóng vai trò là “nền”, ai cũng biết và đó là pháp luật, đạo đức, nề nếp xã hội… Vì vậy, thực hiện đúng “chuẩn nhận thức, hành vi” thì không ai quan tâm đến bạn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm “hình”, muốn sử dụng thêm “quy luật lây lan tâm lý” nhằm thu hút sự chú ý của mọi người, muốn tên tuổi/hình ảnh của bạn không bị lãng quên thì chỉ cần làm ngược lại, có nghĩa là bạn sẽ phải đi ngược lại pháp luật, đạo đức, nề nếp xã hội… Mặc dù mang tính tiêu cực nhưng tên tuổi, hình ảnh của bạn sẽ được mọi người biết đến, bàn đến, thậm chí là “ném đá”, căm thù… nhưng xin lỗi, bạn đã bị sập bẫy của người tạo ra nó mà không hề hay biết.

Với cộng đồng dư luận chịu sự ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông như “dĩ hòa vi quý”, “đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại”, “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”,… thì chỉ cần một lời xin lỗi “vì không kiểm soát được cảm xúc”, một lời hứa “sẽ là gái ngoan” trong tương lai, một lời giải thích “chỉ là do đam mê”… là có thể xoa dịu ngay dư luận và đâu lại vào đấy. Không những thế, sau khi scandal xảy ra, hàng loạt các tên tuổi khác đứng lên bảo vệ “chuẩn nhận thức, hành vi” thì xảy ra tình trạng “hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Pháp luật hiện tại vẫn chưa đủ tính răn đe và ngăn chặn, vì thế scandal vẫn tồn tại và ngày càng lan rộng.

Như vậy, bản thân người tạo ra scandal đều ý thức được “chuẩn nhận thức, hành vi” nhưng vì muốn thỏa mãn những nhu cầu của cá nhân mình mà họ vẫn làm chứ không phải là họ thiếu trình độ, thiếu kỹ năng… trong cuộc sống như nhiều người vẫn thường nghĩ. Người tạo ra scandal đã thỏa mãn được nhu cầu của mình nhưng hàng loạt thế hệ trẻ bị tập nhiễm nhận thức, hành vi bị lệch chuẩn thì không ai quan tâm đến điều này.

Tuy nhiên, để phân biệt rõ ràng đâu là những trường hợp thiếu trình độ, kỹ năng và đâu là tạo scandal rất khó phân biệt vì thiếu tiêu chí, cần phải có những tiêu chí thật rõ ràng và pháp luật cần phải nghiêm minh trong việc xử lý các tình huống này mới ngăn chặn được tình trạng trên. Ngoài ra, nếu công chúng hiểu bản chất của vấn đề, lờ đi, không quan tâm đến những chuyện này thì scandal cũng không có ích gì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *