Nhiều phụ huynh ở các tỉnh, thậm chí tại TP.HCM đổ xô “đẩy” con vào học tại các trường nội trú với mong muốn con cải thiện kết quả học tập, thói xấu… Nhưng, không phải tất cả kỳ vọng đều thành hiện thực.
Vỡ mộng với thực tế tại các trường nội trú
Mới đây, M. – học sinh (HS) một trường nội trú, xin giáo viên ra khỏi lớp rồi trèo qua hành lang lầu bốn nhảy xuống. Rất may, em chỉ bị thương. Trước khi có ý định tự tử, M. viết thư cho bạn bè, chia sẻ rằng em chịu nhiều áp lực từ cha mẹ. Từ năm lớp 9, gia đình đã gửi em đến TP.HCM học nội trú với mong muốn học lực tốt hơn để sau này có thể du học.
Phía sau cánh cổng trường nội trú, liệu HS có dễ dàng “lột xác”? Không ít HS ví chuyện học nội trú như bị giam lỏng. HS phải sống tách biệt với bên ngoài, phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt, giờ giấc, sinh hoạt chỉ quanh quẩn ở trường. Hụt hẫng, chới với là tất yếu. Với rất nhiều HS, thời gian ở nội trú còn là vết hằn ám ảnh.
N.Hưng, cựu HS Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến nhớ lại: “Nhà em ở Gia Lai. Một tháng ba mẹ mới đến TP.HCM thăm một lần. Chỉ học nội trú một năm lớp 12, nhưng em nhớ nhà quay quắt. Mỗi lần nghĩ về giai đoạn đó em vẫn còn ớn lạnh. Nhiều bạn khi bị “đẩy” vào trường, đêm nào cũng khóc vì nhớ nhà”.
T.Hoài, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, từng học năm lớp 12 tại một trường nội trú chia sẻ: “Áp lực học tập nhiều lắm. Em phải thức dậy từ 5g, kết thúc lúc 10g tối. Mỗi ngày, em phải giải quyết một lượng lớn bài tập, bài học… Nếu không hoàn thành bài tập, hoặc cuối tháng đánh giá bị tụt hạng rất dễ “ăn đòn”. Vào học nội trú như bị “nhốt”, khi nào cha mẹ đến đón mới được ra ngoài. Nhớ nhà cộng thêm áp lực học tập, nhiều lần em van nài ba mẹ cho về quê học, nhưng cũng đành cố sức, may mà…”.
Phụ huynh đưa con học nội trú với nhiều kỳ vọng, nhưng không ít trường hợp nhận “quả đắng”. Thấy con lơ là việc học, anh Ngọc Đồng (Đăk Nông) quyết định đưa về học lớp 6 nội trú tại trường THCS-THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM). Học được một năm, chẳng những kết quả học tập không tiến bộ mà con anh còn quen biết và tiếp xúc với nhiều bạn không ngoan:
“Không tiếp thu bài vở khá hơn, ngược lại, con nói thầy cô giảng khó hiểu hơn cả ở quê, chỉ các bạn thật sự khá giỏi mới theo kịp. Chưa kể, từ khi vào học quen bạn không tốt, con về nhà nói chuyện có vẻ hỗn hào. Tôi cứ nghĩ cho về TP.HCM học môi trường tốt hơn, thầy cô giỏi hơn, con sẽ cải thiện kết quả học, nhưng môi trường đó không phù hợp với con mình. Tôi quyết định đưa con về quê học”.
Độ tuổi học nội trú ngày càng… trẻ hóa
Hiện, TP.HCM có khoảng 90 trường tư thục từ tiểu học đến THPT, hầu hết có dịch vụ nhận HS ở nội trú để đáp ứng nhu cầu phụ huynh các tỉnh muốn gửi con học tập tại TP. Các trường Nguyễn Khuyến, Ngô Thời Nhiệm, Trương Vĩnh Ký, Hồng Hà, Quang Trung, Tân Phú, Đức Trí… năm học nào cũng đầy kín chỗ nội trú, từ vài trăm đến cả nghìn em.
Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM) có gần 1.000 HS tại TP lẫn ngoại tỉnh đến học nội trú. TS Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng nhà trường phân tích: “Người trưởng thành khi xa nhà, thay đổi môi trường còn hụt hẫng, huống hồ các em HS đang tuổi lớn, mỗi sự thay đổi đều tác động mạnh đến các em. Đang chới với vì bị bứt khỏi người thân, thiếu thốn tình cảm, lại phải gò vào khuôn khổ, các em dễ bị sốc, học hành sa sút, thậm chí tìm cách bỏ trốn”.
Ông Mai Đức Thắng, Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký (TP.HCM) cho biết: “Trường có 600 em nội trú, các em đều được chuyên gia tư vấn kiểm tra tâm lý. Trong quá trình các em học tập tại trường, giáo viên tâm lý thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt hoàn cảnh gia đình từng em để có thể can thiệp, tư vấn, hỗ trợ kịp thời”. Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận, hoàn cảnh gia đình tác động rất nhiều đến tâm lý của HS và đôi lúc tâm lý của một số em diễn biến phức tạp, nhà trường khó có thể nắm bắt đầy đủ.
Đưa con vào ở nội trú đang trở thành xu hướng, trong khi “nhân vật chính” hoàn toàn bị động. Điều đáng nói, độ tuổi HS học nội trú đang dần trẻ hóa. Một thành viên hội đồng quản trị của trường tiểu học Nhựt Tân (Q.Gò Vấp) cho biết, trường có gần 100 HS nội trú trong độ tuổi 6-7. Tương tự, Trường TH-THCS-THPT Thanh Bình, Ngô Thời Nhiệm cũng có nhiều HS từ lớp 1-5 từ các tỉnh đến học nội trú.
Thạc sĩ Ngô Minh Duy – Trung tâm tư vấn tâm lý Ý Tưởng Việt: Giáo dục nội trú là môi trường nhân văn
Bỏ qua sự kỳ vọng của cha mẹ, khoan đề cập đến việc trẻ lựa chọn, khá nhiều trường hợp cho con học nội trú với lý do xuất phát từ phía gia đình và bản thân HS. Mô hình giáo dục nội trú đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và HS nên cần được ủng hộ. Việc chuẩn bị tâm lý cho con cái, việc có trách nhiệm quan tâm và theo sát con cái cần được thực hiện ngay.
Để làm được điều này, cha mẹ cần cho con tham quan môi trường, cho con lựa chọn, thậm chí học thử. Cha mẹ dành thời gian nhất định, thăm con, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với con chứ không thể lãng quên con vì bất kỳ lý do nào. Phía nhà trường cần đẩy mạnh công tác giáo dục, gần gũi, tìm hiểu và tư vấn cho HS nhiều hơn.
Hãy cho con cái cơ hội học tập nhưng song song đó là tình thương. Khi con cái gặp bất kỳ vấn đề nào, cần có sự phối hợp thật nhanh chóng để cùng giáo dục con. Cũng cần nhận thức rằng giáo dục nội trú là môi trường nhân văn để HS phát triển, vì thế cần tích cực xây dựng môi trường này cho HS lớn lên, trưởng thành đúng nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân – Nguyên trưởng phòng tham vấn tâm lý trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM): Đừng tước mất của trẻ thời gian ược nuôi dưỡng bằng tình yêu
Đối với trẻ cấp I, việc học nội trú sẽ lấy mất của trẻ cơ hội được cảm nhận, được nuôi dưỡng tình yêu từ cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Tình yêu đó là nền tảng xây dựng gia đình thành nơi trú ẩn an toàn nhất của con người khi gặp sóng gió.
Với độ tuổi cấp II, sự phát triển của trẻ ngoài không khí gia đình là điều cần thiết. Việc học nội trú sẽ tăng thêm thời gian để trẻ tương tác với bạn bè, phù hợp nhu cầu phát triển của trẻ. Trong không gian được tương tác với bạn bè, trẻ được tạo cơ hội xây dựng, phát triển không chỉ tri thức mà còn rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, trẻ có phát triển đầy đủ, đúng hướng, thật sự ích lợi cho cuộc sống sau này hay không còn phụ thuộc vào chương trình giáo dục nơi trẻ học.
Thế nên, ở góc độ tâm lý, cho trẻ học nội trú trong độ tuổi cấp I chỉ nên là một chọn lựa bất đắc dĩ. Ở độ tuổi cấp II trở lên, việc trẻ học có thuận lợi, đạt hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào nơi mà cha mẹ muốn ký thác con mình.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – Trưởng bộ môn tâm lý học ứng dụng, Đại học Sư phạm TP.HCM: Đừng để trẻ mang cảm giác bị bỏ rơi
Học nội trú, HS sống trong môi trường có kiểm soát, nhìn chung có “thanh lọc” hơn nên ít rơi vào nghiện game, ít có cơ hội ăn chơi lêu lổng, ít tiếp xúc với đối tượng xấu, từ đó tập trung hơn trong học tập. Bên cạnh đó, sống xa nhà sẽ khiến HS bớt ỷ lại vào gia đình, có ý thức sống tự lập hơn.
Cái được lớn nhất là nhà trường có nhiều thời gian hơn để rèn luyện cho HS các nội dung ngoài giờ lên lớp như giáo dục giới tính, rèn luyện nếp sống kỷ luật, hình thành văn hóa ứng xử, giáo dục kỹ năng sống. Một số trường còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ để giúp HS vừa có sân chơi, vừa có cơ hội rèn luyện sự tự tin, năng động.
Tuy nhiên, các ưu điểm đó phụ thuộc vào chính sách của từng trường. Ngoài ra, việc học nội trú phải do các em tự nguyện và đồng thuận thì các tác dụng tích cực mới phát huy.
Nhược điểm của hình thức này là, HS còn non nớt nhưng bị tách khỏi cha mẹ, như cây non bứt rễ, dễ dẫn đến các cú sốc tinh thần, nhớ nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình. Từ đó sinh ra cảm giác bị gia đình bỏ rơi, cảm giác cô đơn, thậm chí là cô độc. Nếu áp lực học tập tại trường nội trú lớn, sẽ thêm cú hích cộng hưởng đẩy các em vào trầm cảm, thậm chí là tự tử.
Tận hưởng cái Tết gọn nhẹ
Để “đủ đầy” trong mùa tết, rất cần các kỹ năng quản lý chi tiêu của người tay hòm chìa...
Xem tiếpÝ Tưởng Việt đồng hành cùng tân sinh viên khoa Tâm lý học – trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Hòa chung không khí hân hoan, hứng khởi của năm học mới, chiều ngày 12.10.2022 vừa qua, Ý Tưởng Việt...
Xem tiếpBất cứ khi nào bạn cảm thấy chán nản hãy ghi nhớ 8 điều này
Có những loại khó khăn khiến ta bị tổn thương, nhưng đồng thời cũng giúp ta thay đổi và trưởng...
Xem tiếp7 Cách giúp bạn thư giãn và giảm stress
Với 7 lời khuyên dưới đây sẽ phần nào giúp bạn bớt căng thẳng mệt mỏi và tìm được cách...
Xem tiếpNhững điều bạn cần biết về Stress
Stress là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác...
Xem tiếpGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Sẽ có nhiều hệ lụy nếu phụ nữ không phản kháng trước lời nói bông đùa
Chuyên gia tâm lý, GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) nêu quan...
Xem tiếpĐừng bỏ mặc con trẻ với mạng xã hội! Hãy đồng hành, trải nghiệm cùng con!
Điều quan trọng nhất chính là giáo dục. Cải cách giáo dục làm sao để trang bị cho trẻ những...
Xem tiếpSELF HARM – Hội chứng Tự hại: Khi người ta nhầm tưởng những đau đớn thể xác là sự chữa lành
“Self – Harm” hay còn được gọi là hội chứng tự hại. Người mắc hội chứng tâm lý này có...
Xem tiếpBURNOUT – Hội chứng “cháy sạch” nơi công sở và cách để “chữa cháy”
Hội chứng burnout (Burnout syndrome) là một thuật ngữ tâm lý, nó miêu tả tình trạng kiệt quệ, mệt mỏi...
Xem tiếp