Khái niệm, đặc điểm, phân loại Kỹ năng mềm

Bên cạnh thuật ngữ “Kỹ năng sống” được phổ biến rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục và xã hội thì thuật ngữ “Kỹ năng mềm” cũng là một trong những vấn đề được quan tâm – nhất là các đối tượng chuẩn bị cho quá trình lập thân – lập nghiệp. Ngày nay, trình độ học vấn và bằng cấp chưa đủ để quyết định trong việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Họ còn căn cứ vào yếu tố cá nhân như kỹ năng, sự nhạy bén khi xử lí công việc và giao tiếp của mỗi người lao động, các yếu tố này được người ta gọi là “Kỹ năng mềm” [1].

 

Mối quan hệ giữa Kỹ năng sống và Kỹ năng mềm
Đặc điểm của Kỹ năng mềm

 


I. Định nghĩa về Kỹ năng mềm

Có khá nhiều quan niệm hay định nghĩa khác nhau về Kỹ năng mềm tùy theo lĩnh vực nghề nghiệp, góc nhìn chuyên môn, ngữ cảnh, phát biểu và thậm chí là việc đặt thuật ngữ này bên cạnh những thuật ngữ nào.
Hiểu một cách đơn giản “Kỹ năng mềm là những kỹ năng con người tích lũy được để làm cho mình dẽ dàng được chấp nhận, làm việc thuận lợi và đạt được hiệu quả.”
 

Tác giả Forland, Jeremy định nghĩa Kỹ năng mềm là một thuật ngữ thiên về mặt xã hội

“Kỹ năng mềm là một thuật ngữ thiên về mặt xã hội để chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử hiệu quả trong giao tiếp giữa người với người. Nói khác đi, đó là kỹ năng liên quan đến việc con người hòa mình, chung sống và tương tác với cá nhân khác, nhóm, tập thể, tổ chức và cộng đồng” [2].
 

Nhà nghiên cứu N.J. Pattrick định nghĩa Kỹ năng mềm là khả năng, cách thức chúng ta thích ứng với môi trường

“Kỹ năng mềm là khả năng, là cách thức chúng ta tiếp cận và phản ứng với môi trường xung quanh, không phụ thuộc và trình độ chuyên môn và kiến thức. Kỹ năng mềm không phải là yếu tố bẩm sinh về tính cách hay là những kiến thức của sự hiểu biết lí thuyết mà đó là khả năng thích nghi với môi trường và con người để tạo ra sự tương tác hiệu quả trên bình diện cá nhân và cả công việc” [3].

Tương tự như thế, một vài tác giả với tư cách là người sử dụng lao động hay huấn luyện cho rằng Kỹ năng mềm là là kỹ năng đề cập đến khả năng điều chỉnh chính mình, điều chỉnh những kiến thức và kỹ năng đã có để thích ứng với người khác và công việc trong hoàn cảnh thực tiễn.
 

Michal Pollick tiếp cận dưới góc nhìn Kỹ năng mềm là một năng lực thuộc về Trí tuệ cảm xúc

“Kỹ năng mềm đề cập đến một con người có biểu hiện của EQ (Emotion Intelligence Quotion), đó là những đặc điểm về tính cách, khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, thói quen cá nhân, sự thân thiện, sự lạc quan trong mối quan hệ với người khác và trong công việc” [4].

Kỹ năng mềm là thuộc tính của cá nhân tăng cường khả năng tương tác của cá nhân trong thực tế, góp phần nâng cao hiệu suất của công việc và triển vọng nghề nghiệp. Kỹ năng mềm liên quan đến khả năng tương tác với người khác mà cụ thể là khách hàng nội bộ hay khách hàng bên ngoài để đạt được hiệu quả làm việc mà cụ thể là vượt chỉ tiêu được giao để góp phần thành công của tổ chức.
 

Tác giả Giusoppe Giusti cho rằng Kỹ năng mềm là những biểu hiện cụ thể của năng lực hành vi

“Kỹ năng mềm là những biểu hiện cụ thể của năng lực hành vi, đặc biệt là những kỹ năng cá nhân hay kỹ năng con người. Kỹ năng mềm thường gắn liền với những thể hiện của tính cách cá nhân trong một tương tác cụ thể, đó là kỹ năng chuyên biệt rất “người” của con người” [5].
 

Nguyễn Thị Mỹ Lộc và Đinh Thị Kim Thoa thì cho rằng Kỹ năng “mềm” là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng thuộc về trí tuệ cảm xúc, những yếu tố ảnh hưởng đến sự xác lập mối quan hệ với người khác

“Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng thuộc về trí tuệ cảm xúc như: một số nét tính cách (quản lí thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới), sự tế nhị, kỹ năng ứng xử, thói quen, sự lạc quan, chân thành, kỹ năng làm việc theo nhóm… Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sự xác lập mối quan hệ với người khác.

Những kỹ năng này là thứ thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm, nhưng không phải là kỹ năng đặc biệt mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người. Kỹ năng mềm quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc” [6].

Ở một vài bài viết khác có cùng chủ đề, kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng liên quan trực tiếp đến hiệu quả sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp giữa người với người. Kỹ năng mềm là những kỹ năng có liên quan đến việc hòa mình vào, sống với, tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức và hướng đến hiệu quả hay đỉnh cao của việc làm hay nghề nghiệp.

Như vậy, có thể nói có khá nhiều định nghĩa khác nhau về Kỹ năng mềm. Dựa vào những cơ sở phân tích trên và định hướng từ tài liệu “Phát triển Kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sư phạm”, định nghĩa Kỹ năng mềm:

“Kỹ năng mềm là khả năng thiên về mặt tinh thần của cá nhân nhằm đảm bảo cho quá trình thích ứng với người khác, công việc nhằm duy trì tốt mối quan hệ tích cực và góp phần hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả”.

 


II. Đặc điểm của Kỹ năng mềm

Để xác lập định nghĩa về Kỹ năng mềm là một việc làm hết sức khó khăn, vì vậy, phân tích các đặc điểm của Kỹ năng mềm càng không phải là vấn đề đơn giản. Tuy vậy, có thể nhấn mạnh đến những đặc điểm cơ bản sau:
 

1. Kỹ năng mềm không phải là yếu tố thuộc về bẩm sinh.
2. Kỹ năng mềm không chỉ là biểu hiện của Trí tuệ cảm xúc.
3. Kỹ năng mềm được hình thành bằng con đường trải nghiệm chứ không phải là sự “nạp” kiến thức đơn thuần.
4. Kỹ năng mềm góp phần hỗ trợ cho kiến thức và kỹ năng chuyên môn, mà đặc biệt là “Kỹ năng cứng”.
5. Kỹ năng mềm không thể “cố định” với những ngành nghề khác nhau.

 


III. Phân loại Kỹ năng mềm

1. Dễ nhận thấy khi có nhiều định nghĩa khác nhau về Kỹ năng mềm thì sẽ có nhiều cách phân loại Kỹ năng mềm tương ứng. Điểm qua sự phân loại chung nhất của nhiều tác giả, có thể khái quát các hướng phân loại cơ bản sau về Kỹ năng mềm:

 

1.1. Hướng thứ nhất cho rằng có thể đề cập đến hai nhóm sau:

• Nhóm Kỹ năng tương tác với con người (Cá nhân với cá nhân; cá nhân với tổ chức).
• Nhóm Kỹ năng hỗ trợ cho qua trình làm việc của cá nhân tại một thời điểm, địa bàn và vị trí cụ thể trong nhóm, tổ chức.

1.2. Hướng thứ hai cho rằng Kỹ năng mềm có thể tạm chia thành các nhóm sau:

• Nhóm Kỹ năng trong quan hệ với con người.
• ​Nhóm Kỹ năng thuộc về sự tự chủ trong công việc và những hành vi tích cực trong nghề nghiệp.

1.3. Hướng thứ ba cho rằng Kỹ năng mềm bao gồm:

• Nhóm Kỹ năng hướng vào bản thân.
• Nhóm Kỹ năng hướng vào người khác.

 

2. Có thể chi tiết hóa về Kỹ năng mềm dựa trên những quan điểm cụ thể của một số tác giả nghiên cứu về Kỹ năng mềm dưới các góc độ khác nhau:

 

2.1. Ở góc độ khái quát, Kỹ năng mềm trong kinh doanh thuộc một trong ba loại sau đây:

• Tính tương tác với người khác (Khách hàng & Đồng nghiệp).
• Tính chuyên nghiệp và làm việc có đạo đức.
• Tư duy phê phán và khả năng giải quyết vấn đề [7].
Trong những loại Kỹ năng trên, sẽ có những kỹ năng cụ thể tương ứng với một số nghề nghiệp theo đúng yêu cầu đặc trưng của Kỹ năng mềm.

2.2. Liệt kê các Kỹ năng mềm gắn chặt với các kỹ năng lao động chuyên nghiệp

 

Theo Bộ Lao động Mĩ (The US Department of Labour) cùng với Hiệp hội Đào tào và phát triển Mĩ (The American society of Training and Development) đã nghiên cứu và đưa ra 13 Kỹ năng để thành công trong công việc và những Kỹ năng mềm đóng vai trò trung tâm:

Kỹ năng học và tự học (Learning to learn).
• Kỹ năng lắng nghe (Listening skills).
Kỹ năng thuyết trình (Oral communication skills).
Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills).
• Kỹ năng tư duy sáng tạo (Creative thinking skills).
• Kỹ năng quản lí bản thân và tinh thần tự tôn (Self-esteem skills).
Kỹ năng xác lập mục tiêu/tạo động lực làm việc (Golf setting/Motivation skills).
• Kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp (Personal and career development skills).
Kỹ năng giao tiếp và tạo lập mối quan hệ (Interpersonal skills).
• Kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork skills).
• Kỹ năng thương lượng (Negotiation skills).
• Kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả (Organization effectiveness skills).
• Kỹ năng lãnh đạo (Leadership skills) [8].

Tài liệu “Kỹ năng hành nghề cho tương lai” xuất bản tại Úc với sự tham gia của nhiều tổ chức chuyên môn thì cho rằng, có 8 Kỹ năng hành nghề như sau:

Kỹ năng giao tiếp (Communication skills).
• Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork skills).
Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills).
• Kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm (Initiavive and enterprise skills).
Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc (Planning and organising skills).
• Kỹ năng quản lí bản thân (Self-managerment skills).
• Kỹ năng học tập (Learning skills).
• Kỹ năng về công nghệ (Technology skills).

Bộ Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng Canada (Human resouces and skill Development Cananda – HRSĐC) cũng phân loại về Kỹ năng mềm theo hướng liệt kê những Kỹ năng chi tiết:

Kỹ năng giao tiếp (Communication skills).
Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills).
• Kỹ năng tư duy và hành vi tích cực (Positive attidudes and behaviours skills).
Kỹ năng thích ứng (Adaptability skills).
• Kỹ năng làm việc với con người (Working with others skills).
• Kỹ năng nghiên cứu khoa học, công nghệ và toán (Science, technology and mathematics skills) [9].

Ngoài ra, Kỹ năng quản lý cảm xúc cũng là một trong những kỹ năng quan trọng trong những môi trường làm việc nhiều căng thẳng và áp lực công việc cực lớn.

Nhìn chung, trên đây là các hướng phân loại kỹ năng mềm theo một số lượng nhất định có thể gia giảm theo từng nghề nghiệp và công việc khác nhau, nhưng rõ ràng, trong những kỹ năng đã nêu có những kỹ năng trở thành kỹ năng nghề nghiệp của một số ngành nghề nhất định.

Cùng tìm hiểu Mối quan hệ giữa Kỹ năng sống và Kỹ năng mềm – Kỹ năng sống và Kỹ năng mềm là hai thuật ngữ đều được quan tâm khá nhiều trong giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Thực trạng hiện nay cho thấy, khi đề cập đến một vấn đề mà cá nhân không thích ứng hay giải quyết trong cuộc sống thì được đánh giá theo khía cạnh “thiếu Kỹ năng sống”. Mặt khác, khi cá nhân không xin được việc làm, gặp thất bại trong công việc thì xã hội thường gán là “thiếu Kỹ năng mềm”.

——​—​—​—​—​—​—​

Tài liệu tham khảo
1. Barell, J., Career oppotunities News, Fuguson publishing Company, 2002.
2. Forland, Jeremy, Managing Teams and Technology, UC Davis, Graduate School of Management, 2006.
3. Nancy J. Pattrick, Social skills for teenagers and adults with esperger syndrome, Jessica Kingsley Publisher, 2008.
4. Michal Pollick, Soft skills for Bussiness man, Boston, American, 2008.
5. Giusoppe Giusti, Soft skills for Lawyer, Chelsea Publisher, 2008.
6. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa, Giáo dục giá trị và kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
7. Goeran Nieragden, The Soft skills of Business English, ELT newsletter, Macmillan Publishing Company, 2000.
8. Lesley Kydd, Megan Crawford, Colin Riches, Profressional development for educational managerment, Buckingham University, 2008. 
9. Jay Edward Adam, Solving mariage problems : Biblical solution for Chritian counselors, Canada, 2009.

Tận hưởng cái Tết gọn nhẹ

Tin Tổng hợp

Để “đủ đầy” trong mùa tết, rất cần các kỹ năng quản lý chi tiêu của người tay hòm chìa...

Xem tiếp

Ý Tưởng Việt đồng hành cùng tân sinh viên khoa Tâm lý học – trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Tin Hoạt động Tin Tổng hợp

Hòa chung không khí hân hoan, hứng khởi của năm học mới, chiều ngày 12.10.2022 vừa qua, Ý Tưởng Việt...

Xem tiếp

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy chán nản hãy ghi nhớ 8 điều này

Tin Tổng hợp

Có những loại khó khăn khiến ta bị tổn thương, nhưng đồng thời cũng giúp ta thay đổi và trưởng...

Xem tiếp

7 Cách giúp bạn thư giãn và giảm stress

Tin Tổng hợp

Với 7 lời khuyên dưới đây sẽ phần nào giúp bạn bớt căng thẳng mệt mỏi và tìm được cách...

Xem tiếp

Những điều bạn cần biết về Stress

Tin Tổng hợp

Stress là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác...

Xem tiếp

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Sẽ có nhiều hệ lụy nếu phụ nữ không phản kháng trước lời nói bông đùa

Tin Tổng hợp

Chuyên gia tâm lý, GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) nêu quan...

Xem tiếp

Đừng bỏ mặc con trẻ với mạng xã hội! Hãy đồng hành, trải nghiệm cùng con!

Tin Tổng hợp

Điều quan trọng nhất chính là giáo dục. Cải cách giáo dục làm sao để trang bị cho trẻ những...

Xem tiếp

SELF HARM – Hội chứng Tự hại: Khi người ta nhầm tưởng những đau đớn thể xác là sự chữa lành

Tin Tổng hợp

“Self – Harm” hay còn được gọi là hội chứng tự hại. Người mắc hội chứng tâm lý này có...

Xem tiếp

BURNOUT – Hội chứng “cháy sạch” nơi công sở và cách để “chữa cháy”

Tin Tổng hợp

Hội chứng burnout (Burnout syndrome) là một thuật ngữ tâm lý, nó miêu tả tình trạng kiệt quệ, mệt mỏi...

Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Messenger