Thạc sĩ Chế Dạ Thảo: “Trưởng thành chính là quá trình không ngừng thay đổi bản thân”

Phong Van Thac Si Che Da Thao 4.jpg
Trong suốt những năm vừa qua, Trung tâm Đào tạo Ý Tưởng Việt có rất nhiều cơ hội được đồng hành cùng các bạn tân sinh viên chuẩn bị hành trang bước vào một hành trình, mà ở đó các bạn phải gặp không ít những khó khăn trong việc hòa nhập và thích nghi với việc học cũng như môi trường mới. Trách nhiệm với chính bản thân mỗi sinh viên lớn hơn rất nhiều so với khi còn học phổ thông, những va vấp đầu đời khiến các bạn bắt đầu hiểu được rằng cuộc sống ở môi trường mới không dễ dàng như mình vốn nghĩ.
 

Để phần nào giúp các bạn sinh viên vượt qua được những áp lực này, Thạc sĩ Chế Dạ Thảo sẽ cùng chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích, giúp các bạn có một góc nhìn rộng hơn, khách quan hơn để có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại tâm lý và tự tin hòa nhập, thích ứng với môi trường học tập và cuộc sống mới.

 

Phỏng vấn thạc sĩ Chế Dạ Thảo
 

Thạc sĩ Chế Dạ Thảo: “Trưởng thành chính là quá trình không ngừng thay đổi bản thân”

 
Cho đến khi ý thức được cuộc sống là một dòng chảy không ngừng thì bạn đã bị rơi vào giữa vòng xoay của sự thay đổi liên tục để làm chủ cuộc sống và thành công. Tuy nhiên không phải sự thay đổi nào cũng mang lại toàn cảm giác dễ chịu, ai trong đời rồi cũng ít nhất một lần thấy chênh vênh, mất thăng bằng hay bế tắc. Kiên cường trước giông bão hay buông xuôi và mất niềm tin? Càng trẻ người ta lại càng phải đối mặt với nhiều thử thách, nhưng…
“Tôi tin mình sẽ học được cách làm chủ mọi thứ và đứng dậy một cách mạnh mẽ!
Ngày mai, tôi sẽ bước tiếp để đi và sẽ đến!”

Bạn hãy luôn nói với chính mình như thế…

 

1. PV: Chào Cô Chế Dạ Thảo, vấn đề gặp phải của các bạn trẻ khi thay đổi môi trường sống, học tập, làm việc... nhất là trong hoàn cảnh xa gia đình, là sự mất cân bằng dẫn đến những kết quả không mong muốn. Cô có chia sẻ như thế nào về vấn đề này?

Th.s Chế Dạ Thảo:

Hầu hết mọi người khi chuyển dịch từ môi trường này sang môi trường khác, dù môi trường mới có những khó khăn, thử thách hoặc thậm chí là có điều kiện thuận lợi hơn so với môi trường cũ; thì vẫn cần lắm một khoảng thời gian nhất định để ta có thể hoàn toàn bắt nhịp và thích ứng. Trước khi ta kịp thích nghi và làm quen với những guồng quay mới ta sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng. Sự khác biệt giữa hai môi trường càng lớn thì càng khiến ta bối rối, chao đảo, đôi khi cảm thấy lạc lõng hoặc tệ hơn là tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Hoạt động mới, môi trường xa lạ, mối quan hệ bị đảo lộn, dễ dẫn đến sa sút tinh thần, sức khỏe và cả hạn chế trong việc phát triển bản thân. Tôi đồng cảm với các bạn trẻ vì chính tôi cũng đã từng có những khoảnh khắc không hề dễ chịu, đó là những lúc nhận thấy mình bất lực và cô độc, làm việc gì cũng thất bại, không theo đúng mong muốn, stress và mất ngủ triền miên. Quả thật đó là những trải nghiệm không dễ chịu và khá khó khăn để có thể vượt qua.
 

2. PV: Được biết Cô cũng là người thường xuyên “dịch chuyển”, có lúc nào cô bị mất thăng bằng và yếu lòng chưa? Cô có những kinh nghiệm nào muốn chia sẻ với các bạn trẻ?

 

Th.s Chế Dạ Thảo:

Để có ngày hôm nay, tôi đã từng học cử nhân tại TP. HCM, học thạc sĩ tại thủ đô Hà Nội, rồi quay trở lại TP. HCM công tác,… tất cả đều phấn đấu tự lực, trong hoàn cảnh xa nhà. Yếu lòng nhất, có lẽ là sau mỗi lần gọi về nhà, trả lời ba mẹ rằng “Con ổn, khỏe và sống tốt”. Vẫn luôn ổn; trong khi chịu áp lực lớn về những khoản chi phí sinh hoạt, những mùa đông 12 độ chỉ có một chiếc chăn mỏng. Vẫn luôn ổn; khi bao áp lực của những mối quan hệ xã hội phức tạp vây quanh đến nghẹt thở. Thú thực đã có lúc, tôi chỉ muốn bỏ hết để chạy thật nhanh về nhà.
 

“Tìm kiếm động lực sống cho… từng ngày”

Chẳng ai mong muốn cuộc sống của mình mất cân bằng và rơi vào trạng thái căng thẳng, nhưng đó là một phần của cuộc sống. Giai đoạn này, để tự lên dây cót tinh thần, tôi đã nghĩ về lý do bắt đầu, tại sao mình đang ở đây và làm những việc hiện tại. Tôi tin những nỗ lực của chúng ta ở hiện tại sẽ trở thành quả ngọt trong tương lai, luôn hướng về những mơ ước, mục tiêu sẽ đạt được trong tương lai khiến tôi thêm động lực để cố gắng. Rồi tôi lại nghĩ về gia đình, những người thân đã kỳ vọng những điều tốt đẹp nhất, tôi luôn muốn ba mẹ được vui.
 

Giữ cho chiếc phao luôn nổi

Quá khứ hay tương lai là những điều không thể nhìn thấy. Điều có thể nhìn, nghe và hành động là điều ở hiện tại, nếu trốn tránh hiện tại tôi sẽ mất dần tương lai của mình. Tôi học cách chấp nhận. Sau đó là học cách đối diện khó khăn sau nhiều lần định buông xuôi, thậm chí là bỏ trốn. Thật sự là không dễ dàng để thích ứng với khó khăn. Giống như khi ta bị rơi xuống giữa biển, trong lúc chới với thì đầu óc luôn xuất hiện rất nhiều câu hỏi cố làm sáng tỏ vấn đề: “Tại sao bị rơi? Ai làm ta rơi? Tại sao lại khó thở? Tại sao lại lạnh thế này? Tại sao chỉ có mình ta?”… chúng làm ta mất quá nhiều thời gian loay hoay, dằn vặt bản thân, khóc lóc quẫy đạp vô vọng. Thay vì vậy, điều nên làm là cần bình tâm chấp nhận hoàn cảnh, giữ sức, bắt đầu cảm nhận dòng nước, tập trung cho việc ưu tiên nhất là giữ cho chiếc phao luôn nổi.
 

“Khi bị lạc trong rừng, đừng cố chạy, mà hãy lên một nơi thật cao để quan sát”

Sau khi đã hiểu và chấp nhận thực sự những gì đã, đang và sẽ diễn ra, nghĩa là hiểu đúng hoàn cảnh thì ta nên quan sát và lên từng kế hoạch nhỏ để gỡ từng nút thắt một.
Mất cân bằng chi tiêu; thì sẽ tìm ngay một việc làm thêm? Không! Trước hết là nên tiết kiệm từng đồng một.
Quá phiền lòng vì một mối quan hệ; thì sẽ bắt đầu một mối quan hệ khác? Không! Hãy ưu tiên xoa dịu tâm hồn bạn.

Theo thời gian và khi ta trưởng thành, có lẽ các bạn sẽ đồng tình với tôi rằng, nếu không muốn bị cuốn trôi hay nhấn chìm thì chính bản thân ta phải có được sự cân bằng trước đã, càng phản ứng vô vọng sẽ càng tăng khả năng thất bại. Nói vui, thì rõ ràng là chúng ta không nên chạy đi tìm cầu vồng trong cơn bão, mà hãy tránh hoặc chờ đợi trời ngớt mưa, bước lùi lại, bạn sẽ thấy điều quý giá đang kiếm tìm.
 

“Kiên định yêu quý chính bản thân”

Có lẽ thời điểm quan trọng nhất khi gặp khó khăn, là khi ta quyết định. Tôi luôn tự nhắc nhở rằng đây là lựa chọn của mình, dặn mình phải có trách nhiệm với những lựa chọn và quyết định đó. Khi thi đậu đại học, khi trúng tuyển cao học, khi một mình ngồi máy bay ra Hà Nội, khi về Sài Gòn lập nghiệp và cả khi đi chia sẻ với các bạn học sinh sinh viên khắp các tỉnh thành. Tôi luôn tự tin với quyết định của mình, và cảm nhận hạnh phúc với những trải nghiệm tuyệt vời đó. Tôi kiên định yêu quý chính bản thân mình.
 

3. PV: Cô Dạ Thảo sẽ dành những lời khuyên nào cho các bạn học sinh sinh viên để có thể vượt qua những thách thức và khó khăn trong học tập và cuộc sống, đặc biệt là những bạn đang học tập xa gia đình?

 

Th.s Chế Dạ Thảo:

Sẽ đến một lúc bạn nhìn lại cuộc đời mình và hiểu rằng vì sao mọi thứ lại như vậy. Nếu không phải vì từng gục ngã đến mức chạm đáy thì một người sẽ không có được động lực để vươn xa đến tận đỉnh cao. Đã trải nghiệm thật nhất những khó khăn mà các bạn sinh viên và đặc biệt là những bạn sống xa gia đình, tôi có hai từ khóa muốn chia sẻ với các bạn.
 

Thứ nhất là “Sống chủ động”

Tương lai là của mình, không đợi, không để ai khác quyết định hay thay đổi ngoài chính bản thân mình. Đừng để bản thân bị chi phối bởi cảm xúc lúc lên lúc xuống “theo mùa nước nổi” hoặc bởi tính ì tâm lý dẫn đến sự thụ động “nằm chờ sung rụng”. Sự chủ động sẽ là chìa khóa thành công đồng thời là chiếc mỏ neo giúp bạn trụ vững khi gặp phải giông bão. Có đôi lúc bạn phải sống môi trường khó khăn vất vả để rèn luyện chính bản thân mình, chủ động từng bước một trên con đường dẫn đến thành công.
 

Từ khóa thứ 2 là “Sống tích cực”

Hãy dùng giấy ghi chú hoặc mặc định trong suy nghĩ câu “Sẽ có cách, đừng lo!” và “Tôi làm được”. Khi gặp khó khăn, đừng vội ứng xử hay giải quyết, các bạn nên giữ cho mình sự bình tĩnh và luôn nghĩ về những điều tốt đẹp, về ước mơ, chính ước mơ là động lực để ta phấn đấu. Bao giờ cũng sẽ có ít nhất một con đường, một cách giải quyết. Khi tất cả các cánh cửa đều đóng lại, ta vẫn có thể tự mở ra một cửa mới cho mình!
 

4. PV: Từ thời còn là một sinh viên mới bước vào giảng đường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đến khi Cô hoàn thành việc học Thạc sĩ tại Thủ đô Hà Nội, và quay lại lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, hẳn đã có nhiều sự thay đổi, nhưng đâu là điều ở bản thân mà Cô cảm nhận rằng mình không hề thay đổi trong suốt quá trình đó?

 

Th.s Chế Dạ Thảo:

Đã đi, đã va và cũng đôi ba lần vỡ. Vỡ rồi thì cũng ít nhiều tự điều chỉnh mình để sẵn sàng cho những va vấp khác. Tôi đã lớn hơn từng ngày, sống nhanh rồi lại sống chậm, thậm chí là đã già đi. Nhưng điều rõ nhất mà tôi thấy được ở bản thân chưa bao giờ thay đổi đó là luôn ý thức về sự trưởng thành của bản thân. Chênh vênh, hụt hẫng cũng nhiều nhưng tôi luôn có niềm tin vào bản thân và tin vào những điều tốt đẹp ở người khác. Đôi khi cũng có suy nghĩ không tích cực nhưng đó là cảm xúc nhất thời, chưa bao giờ tôi cho phép bản thân bỏ cuộc. Thay đổi để thích ứng không có nghĩa là bạn trở thành một người hoàn toàn khác. Đừng ngại thay đổi, vì trưởng thành là quá trình chúng ta không ngừng thay đổi bản thân.
 

5. PV: Câu hỏi cuối cùng, Cô đã đồng hành cùng Ý Tưởng Việt giảng dạy cũng như báo cáo chuyên đề tâm lý, tư vấn hướng nghiệp học đường ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Được gặp gỡ và chia sẻ với rất nhiều bạn học sinh sinh viên… liệu đó có phải là nguồn động lực để Cô càng củng cố niềm đam mê, giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết với các thế hệ học trò?

 

Th.s Chế Dạ Thảo:

Tôi chân thành cảm ơn những tổ chức giáo dục và cả những cá nhân, đơn vị đã bảo trợ, đặc biệt là trung tâm đào tạo Ý Tưởng Việt vì đã đồng hành cùng tôi trong công tác giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp hay tham vấn tâm lý trên sóng radio,… Tất cả công việc đó đã giúp tôi có thêm cơ hội được chia sẻ và truyền cảm hứng tới các bạn trẻ. Nhìn cách các bạn trẻ nhiệt tình đón nhận và dường như tự tin hơn, trưởng thành hơn qua từng ngày từng giờ, thực sự tôi rất hạnh phúc, và càng đam mê với sự nghiệp của mình.

Sau tất cả, bạn sẽ thấy thanh xuân của mình phong phú và ý nghĩa hơn rất nhiều!

Trân trọng cảm ơn Cô!

Đau đầu khi cha mẹ đi làm, con chưa đến lớp

Tin tức Chuyên gia

Từ ngày 1/10, nhiều đơn vị ở TP.HCM dần hoạt động trở lại bình thường. Cha mẹ bắt đầu trở...

Xem tiếp

Nhiều phụ huynh rơi vào vòng xoáy kim tiền, không còn thời gian dạy con

Tin tức Chuyên gia

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: “Nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền và có hành...

Xem tiếp

Thạc sĩ Tâm lý Ngô Minh Duy: Chuyên gia Tham vấn Trị liệu hàng đầu tại Trung tâm Tư vấn Tâm lý Ý Tưởng Việt

Tin tức Chuyên gia

Với kinh nghiệm hơn mười năm làm việc trong lĩnh vực tham vấn và trị liệu tâm lý, ThS Ngô...

Xem tiếp

Cân bằng tâm lý giữa mùa dịch – Điều cần quan tâm đã được giải đáp

Tin tức Chuyên gia

Buổi chia sẻ và tư vấn “Bí quyết cân bằng tâm lý trong mùa dịch” trên trang Học sinh, Sinh...

Xem tiếp

Lời trải lòng của người mẹ với live stream của GS.TS Huỳnh Văn Sơn trong mùa dịch – Đáng để suy ngẫm

Tin tức Chuyên gia

“Vì tôi không được học hành cao nên bản thân cũng rất hạn chế trong việc có thể dạy con...

Xem tiếp

Bản lĩnh xử lý sự cố bất ngờ trên sân khấu giúp Nhật Trường đăng quang “Én Vàng 2019”

Tin tức Chuyên gia

Én hot boy’ Nhật Trường (Học viên ưu tú và hiện cũng đang là Giảng viên Khóa đào tạo MC...

Xem tiếp

Chồng chỉ “ngôn tình” trên mạng

Tin tức Chuyên gia

Thấy chồng lúc nào cũng viết những dòng trạng thái đầy “ngôn tình” dành cho mình trên Facebook mà Lan...

Xem tiếp

Dịch bệnh Covid-19: Trang bị kỹ năng an toàn cho học sinh

Tin tức Chuyên gia

Có thể nói không phải chỉ ở học sinh mà không ít người trưởng thành ở một số gia đình...

Xem tiếp

GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói gì về đề xuất chia năm học thành 4 kỳ?

Tin tức Chuyên gia

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng: học sinh có nhiều kỳ...

Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *