E-learning – Cánh cửa thay thế hay hình ảnh truyền thông thời virus corona

E Learning Canh Cua Thay The Hay Hinh Anh Truyen Thong Thoi Virus Corona.jpg
Trong những ngày gần đây, mọi hoạt động của cuộc sống gần như đều bị đảo lộn và đổi thay đáng kể bởi Corona. Không phải ngẫu nhiên là thế bởi con người là chủ nhân của những hoạt động khác nhau.

Trong những ngày gần đây, mọi hoạt động của cuộc sống gần như đều bị đảo lộn và đổi thay đáng kể bởi Corona. Không phải ngẫu nhiên là thế bởi con người là chủ nhân của những hoạt động khác nhau.

 

 Chưa có nhiều khóa học E-Learning đúng nghĩa

 

Facebook của nhiều người bỗng dưng có sự đầu tư một cách đáng kể. Trường học, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nhiều diễn giả, chuyên gia nói về e-Learning với nhiều kiểu nói đầy mộng mơ và thần kỳ… Thay thế học trực tuyến bằng e-Learning , e-Learning  có thể đảm bảo làm chủ việc dạy học đại học hay bồi dưỡng… Hay cá biệt, có hẳn dự án trăm tỷ, và lời khẳng định tất cả các môn, tín chỉ đều có thể dạy e-Learning thay vì trực tuyến… Nói thì thế nhưng liệu e-Learning có làm được tất cả mọi thứ thay trực tiếp?

Dòng chảy tri thức vẫn phải chạy và mỗi người cũng đều phải chấp nhận làm chủ dòng chảy ít nhiều và biến nó thành tri thức, kinh nghiệm của riêng mình để hoạt động. Thế nhưng là người có quan tâm đến sư phạm, giáo dục và huấn luyện cũng như giáo dục trực tuyến e-Learning, vừa cảm ơn vì có những người rất quan tâm đến vấn đề e-Learning nhưng lại lo lắng về những minh chứng và cơ sở khoa học để có thể triển khai e-Learning đúng nghĩa và mang tính sư phạm đích thực. Liệu e-Learning có là cánh cửa thay thế hay là hình ảnh truyền thông theo dịch, câu hỏi bắt đầu từ hiểu biết, hành động, trách nhiệm, bản lĩnh…

NHÀ SƯ PHẠM THÌ VẪN PHẢI KHOA HỌC KHI TIẾP CẬN e-Learning

Thật ra, e-Learning không phải quá mới ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam. Gần hai mươi năm qua, e-Learning đã là công cụ khai thác hiệu quả ở một số trường đại học và trung tâm, công ty… Không thể phủ nhận các tính năng học mọi lúc mọi nơi, tiện lợi, đa dạng và phong phú thì một trong những hạn chế lớn nhất của MOOCs (kể cả với các dạng khóa học trực tuyến khác) là tỉ lệ hoàn thành khóa học rất thấp (2~5%). Vì vậy, việc cải tiến tính hiệu quả và hấp dẫn của các khóa học trực tuyến là bài toán thu hút nhiều sự quan tâm đối với các chuyên gia e-Learning.

Do tính chất “massive – đại trà”, “open – mở”, và “online – trực tuyến” của MOOCs nên cần phải xem xét đến nền tảng công nghệ/công cụ mà học viên sẽ được khai thác và sử dụng. Không thể chắc chắn rằng người dạy (người triển khai khóa học, kể cả người thiết kế khóa học) có đủ kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến, cũng như khả năng sử dụng công nghệ để dự đoán được những “vấn đề kỹ thuật” có thể gây khó khăn cho việc tự học/tự nghiên cứu của người học (Wang, F.L. et al., 2010). Nói ra điều này để thấy rằng, các khóa học e-Learning hiện có giữ chân người học đến cùng, có tuân thủ các nguyên tắc sư phạm và giáo dục một cách cơ bản (dẫu chỉ là tương đối?), có đảm bảo các định hướng về đào tạo phát triển năng lực, có đảm bảo các yêu cầu sư phạm trong công tác đào tạo, có tuân thủ nguyên tắc phát triển chương trình và lý luận dạy học hiện đại?

Ai là nhà sư phạm, cần có trách nhiệm với sự nghiệp của mình. Thuật ngữ Đào tạo điện tử – thường được gọi là e-Learning, đã không còn xa lạ với lĩnh vực giáo dục hiện đại. e-Learning được hiểu một cách tổng quát là “việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có chủ đích nhằm nâng cao và/hoặc hỗ trợ quá trình dạy – học” (Naidu, S., 2006)(Horton, 2006). Gần đây, hình thức đào tạo trực tuyến với các khóa học ngắn hạn dạng MOOC (Massive Open Online Course) tạm dịch là khóa học trực tuyến mở đại trà – là những khóa học mang ý tưởng của tinh thần “học tập mở” với sự hỗ trợ của ICT dưới hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn (distance learning/full e-Learning) (Bates, T, 2009) (Horton, W., 2011). Mô hình học tập mở của MOOCs cung cấp các nội dung tri thức trực tuyến cho tất cả mọi người và không giới hạn số lượng tham gia qua việc truy cập Internet. Thế nhưng, những thừa nhận sau đây làm cho việc đào tạo e-Learning cần phải rất có cơ sở khoa học: Vì sao người học dần rời bỏ e-Learning sau một thời gian học? Vì sao vẫn chưa thể có nhiều khóa học e-Learning đúng nghĩa, toàn phần mà vẫn dùng blending(kết hợp học tập trực tuyến và trực tiếp)? Vì sao giảng viên vẫn cần quan tâm nhiều đến sự thực học của học viên hay sinh viên? Vì sao các chứng chỉ học tập trực tuyến vẫn còn được cân nhắc và xem xét, đánh giá kỹ lưỡng khi tuyển dụng nhân sự?

Bản thể không phải ở e-Learning mà là sự làm chủ của giảng viên về e-Learning. Thực tế trong nhiều đợt khảo sát, trao đổi, tọa đàm cùng nhiều giảng viên, các vấn đề sau đây đã là những trọng điểm cần xem xét. Vẫn hơn 1/2 giảng viên cho rằng e-Learning là việc quay hình các videoclip để phát hình cho người học; 1/4 còn lại cho rằng đó là bài học, khóa học trực tuyến bao gồm video và các hình thức khác giúp người học học trực tuyến… Và 1/4 hiểu khá đúng về khái niệm e-Learning như đã trình bày trên. Liệu rằng chỉ với 1/4 giảng viên hiểu đúng về khái niệm, khóa học trực tuyến sẽ ra sao nếu được dựng xây, tổ chức và đánh giá? Không quá bi quan nếu chúng ta bảo rằng giảng viên không thể tự làm, tự học “learn by doing”, nhưng cũng chính lương tâm sư phạm cho chúng ta một chân lý: không thể biến quá trình đào tạo con người thành kiểu thử và sai…

Hiểu đúng về e-Learning chưa hẳn sẽ có thể tạo ra khóa học e-Learning đúng nghĩa. Bỏ qua tất cả những yêu cầu cơ bản về cơ sở hạ tầng, điều kiện học tập trực tuyến, cổng học tập trực tuyến với khả năng đáp ứng cho tất cả người học cùng tham gia một lúc, những lo lắng khác sẽ xuất hiện ngay nếu đặt vào bối cảnh dịch vụ người học và trách nhiệm đào tạo hiệu quả. Ai cũng có thể tạo ra e-Learning, thì điều dễ nhận ra trong cách thức tách từ đơn giản là phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật và yếu tố học tập. Nếu cho rằng giảng viên đều có thể xây dựng các khóa học trực tuyến thì điều này có phải không tưởng? Hay làm thế nào để các sinh viên đều có điện thoại thông minh, máy tính hay máy để bàn đủ sức, ngang nhau để có thể học tập. Ngay cả việc cấp tài khoản, xác nhận tài khoản học tập cho tổng số sinh viên toàn trường với hơn 10 ngàn sinh viên đã là một bài toán không dễ nếu không có quy trình, hệ thống, kỹ thuật hiệu quả… Không phải cũng có thể kiểm soát từng lời nói của mình, chắc chắn thói quen của mỗi giảng viên đều bị áp lực nhất định khi có người dự giờ, thu âm, ghi chép vẫn còn đó, mà nếu tất cả đều trở thành diễn giả khi dạy e-Learning thì có lẽ điều này phải thừa nhận giảng viên quá xuất sắc.

E-learning - Cánh cửa thay thế hay hình ảnh truyền thông thời virus corona

Nhà sư phạm tốt, dễ bắt đầu từ nền tảng nhà khoa học có năng lực. Nhưng không phải nhà khoa học nào có đủ đầy tài năng cũng có thể trở thành nhà sư phạm xuất sắc. Ranh giới giữa nhà khoa học và nhà sư phạm vẫn còn đấy, chưa thể san bằng ngay… Và nếu dùng e-Learning để nghĩ rằng có thể san bằng để biến giảng viên thành diễn giả, thành nghệ sĩ trên bục giảng trực tuyến là điều… quá tưởng tượng hay chăng? Phỏng vấn nhiều giảng viên, không ít trong số đó cần có thời gian cân nhắc để quyết định lên hình hay không? Tôi nhớ như in, có lần tham gia làm giám khảo của một cuộc thi người dẫn chương trình, phát thanh viên của một Đài truyền hình nọ, số lỗi mà chúng tôi thống kê ở vòng bán kết thông qua 2 phút thi diễn của thí sinh thật là khó đếm… Giảng viên cần giữ hình ảnh, cần có chút an toàn, cần bảo vệ chính mình là điều chúng ta cần cảm thương nếu e-Learning trở thành yêu cầu áp lực quá sức là thế…

CÁI LÕI CỦA e-Learning VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG

Không thể phủ nhận sự cần thiết và tính hiệu quả của e-Learning. Tuy nhiên, là người khai thác, chúng ta cần làm chủ nó chứ đừng để nó làm chủ chúng ta. Kinh nghiệm của một giảng viên đình đám từng đầu tư nhiều khóa học nhưng không như  mong đợi nên phải vài lần buồn thiu, chán nản là điều không thể nào bỏ qua… Đầu tư tâm sức cho việc sản xuất các khóa học trực tuyến nhưng do đơn giản hóa quá trình sản xuất bằng cách quy đổi khóa học là các clip nên người học có những phản hồi không như mong đợi. Tin mạng mạng hại bởi ban đầu những comments rất tích cực đã làm bệ phóng tỏa sáng. Nhưng rồi có những học viên phản hồi bằng cách chi tiết phát hiện clip này giống clip kia, nội dung này không giúp em hình thành kỹ năng làm cho quá trình đầu tư chững lại… Không những thế, cơ chế và áp lực hút người xem đã đẩy người ta trở thành người bán hàng trên mạng hay thậm chí kiểu bán hàng đa cấp để hút người học làm cho nỗi lo về hình ảnh của giảng viên xuất hiện…

Từ góc nhìn giáo dục, sư phạm, để có khóa học e-Learning thay thế khóa học trực tiếp là điều không dễ dù có thể. Vấn đề cốt lõi là người xây dựng khóa học e-Learning phải là nhà sư phạm có nghề, nắm vững các kiến thức về giáo dục học và chương trình học. Hơn thế nữa, các năng lực về nghệ thuật và năng khiếu về khả năng trình bày, khai thác điều kiện thính thị cần đảm bảo. Các yêu cầu này không cần quá cao, nhưng phải ở mức trung bình khá trở lên liệu có phải là quá đáng. Bắt đầu bằng trọng điểm kịch bản sư phạm của khóa học và kịch bản sư phạm trực tuyến của khóa học thế nào, xây dựng ra sao là câu hỏi không dễ trả lời. Có thể nhận ra câu hỏi cần giải đáp nếu là nhà sư phạm tôn trọng nghề nghiệp chính mình: Yếu tố quan trọng nhất trong kịch bản sư phạm trực tuyến là gì? không thể không quan tâm. Và hàng loạt câu hỏi có liên quan xuất hiện trở thành các cơ sở quan trọng để tiến hành chuẩn bị, xây dựng và hoàn thiện khóa học trực tuyến: Cách thức chọn trọng điểm để quay hình video; Đâu là nền tảng để chuyển thể từ kịch bản sư phạm thành kịch bản sư phạm trực tuyến; Từ thời lượng của chương trình dạy trực tiếp (30 tiết chẳng hạn), làm thế nào để có thể quy đổi sang dạy học trực tuyến với thời lượng phù hợp và đâu là cơ sở của sự quy đổi này (sẽ là bao nhiêu tiết lên hình, bao nhiêu tiết người học tự học…)? Người học sẽ rèn kỹ năng của mình thế nào để đảm bảo chuẩn đầu ra đã xác lập theo ma trận của chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của học phần?…

E-learning - Cánh cửa thay thế hay hình ảnh truyền thông thời virus corona

Nói như thế để thấy khóa học trực tuyến không phải giản đơn nhưng vẫn có thể đảm bảo nếu người xây dựng khóa học trực tuyến quan tâm đến quy trình xây dựng. Quy trình đề xuất gồm 4 giai đoạn chính, đó là: (1) Nhu cầu về khóa học – xác định yêu cầu cần đạt, mục tiêu dạy học, lập kế hoạch dạy học, chiến lược sư phạm, và khung chuẩn đánh giá ; (2) Thiết kế khóa học – bao gồm thiết kế kịch bản sư phạm và xây dựng nội dung, hoạt động học tập trực tuyến ; (3) triển khai và thử nghiệm – xây dựng kịch bản triển khai, và tổ chức thử nghiệm, lựa chọn tập mẫu với các kịch bản thử nghiệm khác nhau, thu thập số liệu sau thử nghiệm, thống kê và phân tích số liệu; (4) đánh giá và thẩm định – xây dựng quy trình đánh giá khóa học và thẩm định để đưa vào khai thác sử dụng. Thiết kế kịch bản sư phạm thuộc giai đoạn (2) của quy trình đề xuất và là trong tâm cần đáp ứng.

Tiếp theo, sẽ là câu hỏi: Yếu tố quan trọng nhất trong kịch bản sư phạm trực tuyến là gì? Đầu tiên, kịch bản sư phạm có thể xem là, “sự tổ chức, bố trí các hoạt động cho người học nhằm đạt mục tiêu dạy học và được thiết kế theo hướng của một vở diễn”. (Huỳnh Văn Sơn, 2017). Để có một kịch bản sư phạm tốt, người thiết kế kịch bản phải nắm vững những nội dung tri thức nào cần truyền đạt? (what learn?) và đối tượng người học là ai? (who learn?) để từ đó xây dựng thành các hoạt động học tập có khả năng gây ‘hứng thú’ và ‘bất ngờ’ đối với người học. Trên cơ sở này, kịch bản sư phạm của một khóa học trực tuyến – gọi tắt là, kịch bản sư phạm trực tuyến được hiểu là tổng hợp các hoạt động học tập (learning activities – LAs) diễn ra trong một môi trường học ảo (virtual learning environment – VLE) bằng cách sử dụng các đơn vị kiến thức học cụ thể nào đó (learning objects – LOs)(Kurilovas & Zilinskiene, 2013)(Laato et al., 2019). Như vậy, việc vỡ ra kịch bản sư phạm và từ đó có được kịch bản sư phạm trực tuyến không phải đơn giản và tiến hành quá ư lắc lư, ầu ơ theo phong trào. Đó là hành động sư phạm mang tính khoa học, nghiêm túc và có nền tảng của tư duy. Song song đó, có cả hình ảnh của người chuyên gia sư phạm, người hiểu biết về khả năng của công nghệ thông tin và hiểu người học với những nhu cầu, sở thích và thói quen cũng như dự phòng xu hướng học tập, hứng thú học tập và diễn tiến tư duy học tập… Không thể quá vô tư để nói rằng sinh viên có thể tự học, tự nghiên cứu để ta xây dựng hình ảnh dạy học trực tuyến của chính mình theo kiểu hoành tráng và trống rỗng…

Phân tích sâu hơn về hoạt động xây dựng kịch bản sư phạm của một khóa học trực tuyến (ngắn hạn), đó là hàng loạt những trách nhiệm phải đáp ứng bao gồm: xây dựng kịch bản sư phạm trực tuyến tổng thể (gọi tắt là, kịch bản tổng thể); xây dựng kịch bản sư phạm trực tuyến chi tiết (gọi tắt là, kịch bản chi tiết); và phát triển kịch bản sư phạm trực tuyến điều hướng (gọi tắt là, kịch bản điều hướng). Đây chính là logic của quá trình giáo dục mà người làm công tác sư phạm cần quan tâm. Bởi khi dạy học là khai thác người học để họ tự học thì cũng cần phủ được những dự báo về cách thức học tập, hành vi học tập để hỗ trợ người học học hiệu quả. Kịch bản điều hướng là đường dẫn được phủ vào trong ấy tiến trình sư phạm vừa định hướng, vừa phát huy tính logic của hoạt động học, vừa tôn trọng tính cá nhân khi điều hướng có bắt buộc và có tự chọn, tự do…

E-learning - Cánh cửa thay thế hay hình ảnh truyền thông thời virus corona

Tự chủ đại học trong đó có tự chủ đào tạo cho phép mỗi cơ sở được quyết định vấn đề phương thức đào tạo của mình. Xét dưới góc độ quản lý, việc đảm bảo chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng để định lượng hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, việc quan tâm đến giáo dục phát triển năng lực đòi hỏi người dạy phải dạy theo đúng định hướng phát triển năng lực, người học phải học đúng hướng phát triển năng lực. Điều gì sẽ xảy ra nếu như các khóa học e-Learning không dựa trên nền tảng này và không đảm bảo các yêu cầu cơ bản của khóa học phát triển năng lực. Cơ sở này làm cho hàng loạt câu hỏi có liên quan xuất hiện nếu cho rằng có thể khai thác dạy học e-Learning đại trà hay toàn thể cho sinh viên, học sinh… Trên bình diện quản lý, các trăn trở sau không làm cho quá trình dạy học e-Learning cạn đi hay bị dừng lại mà nó góp phần đảm bảo tính khả thi, thận trọng nhưng khoa học và hiệu quả nếu giảng viên và cơ sở đào tạo đáp ứng, thỏa mãn:

– Làm sao để kiểm tra tài khoản của tất cả sinh viên và biết rằng người học đều tham gia?
– Cách thức để kiểm tra người học thực sự đang tham gia học tập trên hệ thống e-Learning là gì?
– Làm thế nào để tránh việc học thay đã và đang tồn tại ở học sinh, sinh viên?
– Làm sao để đánh giá quá trình học trực tuyến của học sinh, sinh viên một cách chính xác, mang ý nghĩa động viên?
– Làm thế nào để có thể đảm bảo duy trì hứng thú của người học… thật dài khi bối cảnh xung quanh có thể luôn lôi kéo, chi phối người học?
– Bằng cách nào để thỏa mãn nhu cầu chát nhóm, nhu cầu bình luận, nhu cầu tư vấn trực tiếp của người học với khối lượng lớn học phần giảng viên đáp ứng, với guồng quay công việc nghiên cứu, giảng dạy nhiều cơ sở…
– Đâu là kỹ thuật để thể hiện tất cả ý tưởng của người dạy trên hệ thống e-Learning, người dạy làm sao có thể rèn kỹ năng, sửa những hạn chế của học sinh, sinh viên; phát triển các kỹ năng mềm, hướng dẫn đạo đức nghề nghiệp cho người học…

Trả lời các câu hỏi này tuần tự, nghĩa là người dạy đã tiếp cận e-Learning một cách khoa học và đảm bảo sự đầu tư nghiêm túc về thời gian, trí tuệ, tâm huyết cũng như trách nhiệm, lòng yêu nghề và bản lĩnh trong giáo dục và đào tạo

XIN VÀ CẦN…

e-Learning cần có mặt, cần tồn tại nhưng rất cần được đầu tư bài bản. Sự đầu tư này bắt đầu một cách nghiêm túc, có cơ sở, đảm bảo thích nghi với đa đối tượng vừa là người dạy, vừa là người học…

Trong bối cảnh hiện nay, e-Learning cần được hiểu đúng, trả về đúng nội hàm của nó. Tránh việc đánh đồng e-Learning với các màu sắc của nó hay chỉ là những hình thức giản đơn hóa e-Learning thậm chí là làm thấp nó so với bản chất chỉ vì “tiếp cận chưa tới, sử dụng chưa phải”… Khảo sát, xây dựng, phát triển e-Learning cần phân biệt các khái niệm về LMS hay tool, môi trường… bởi chỉ cần sự vô tư và sự thiếu cẩn trọng sẽ kéo theo vũ khúc của đám đông nhiều hệ lụy…

Có thể ở góc nhìn nào đó, virus Corona đã mang cơ hội cho e-Learning thể hiện tên gọi của mình. Nhưng thay vì thế, hãy cho em tồn tại đúng bản chất và hãy nhìn em bằng cách nhìn khoa học, hệ thống, bài bản thay vì khai thác em cho hình ảnh lung linh và phát kinh thời Virus Corona (2019-nCoV).
 

 Chưa có nhiều khóa học E-Learning đúng nghĩa
 Cần thống nhất cách dạy Giáo dục Kĩ năng sống

Đau đầu khi cha mẹ đi làm, con chưa đến lớp

Tin tức Chuyên gia

Từ ngày 1/10, nhiều đơn vị ở TP.HCM dần hoạt động trở lại bình thường. Cha mẹ bắt đầu trở...

Xem tiếp

Nhiều phụ huynh rơi vào vòng xoáy kim tiền, không còn thời gian dạy con

Tin tức Chuyên gia

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: “Nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền và có hành...

Xem tiếp

Thạc sĩ Tâm lý Ngô Minh Duy: Chuyên gia Tham vấn Trị liệu hàng đầu tại Trung tâm Tư vấn Tâm lý Ý Tưởng Việt

Tin tức Chuyên gia

Với kinh nghiệm hơn mười năm làm việc trong lĩnh vực tham vấn và trị liệu tâm lý, ThS Ngô...

Xem tiếp

Cân bằng tâm lý giữa mùa dịch – Điều cần quan tâm đã được giải đáp

Tin tức Chuyên gia

Buổi chia sẻ và tư vấn “Bí quyết cân bằng tâm lý trong mùa dịch” trên trang Học sinh, Sinh...

Xem tiếp

Lời trải lòng của người mẹ với live stream của GS.TS Huỳnh Văn Sơn trong mùa dịch – Đáng để suy ngẫm

Tin tức Chuyên gia

“Vì tôi không được học hành cao nên bản thân cũng rất hạn chế trong việc có thể dạy con...

Xem tiếp

Bản lĩnh xử lý sự cố bất ngờ trên sân khấu giúp Nhật Trường đăng quang “Én Vàng 2019”

Tin tức Chuyên gia

Én hot boy’ Nhật Trường (Học viên ưu tú và hiện cũng đang là Giảng viên Khóa đào tạo MC...

Xem tiếp

Chồng chỉ “ngôn tình” trên mạng

Tin tức Chuyên gia

Thấy chồng lúc nào cũng viết những dòng trạng thái đầy “ngôn tình” dành cho mình trên Facebook mà Lan...

Xem tiếp

Dịch bệnh Covid-19: Trang bị kỹ năng an toàn cho học sinh

Tin tức Chuyên gia

Có thể nói không phải chỉ ở học sinh mà không ít người trưởng thành ở một số gia đình...

Xem tiếp

GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói gì về đề xuất chia năm học thành 4 kỳ?

Tin tức Chuyên gia

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng: học sinh có nhiều kỳ...

Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Messenger